Kiểm soát an toàn và huấn luyện tâm lý trong hoạt động chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là một nội dung nâng cao trong chương trình đào tạo nghiệp vụ mới được Trường Đại học PCCC đưa vào giảng dạy trong những năm gần đây. Nắm bắt được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn và đáp ứng nhu cầu đào tạo cho cán bộ công nhân viên làm việc trực tiếp trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ, độc tại các kho xăng dầu, trong tháng 7 và 8/2022, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng khoa học kĩ thuật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Trường Đại học phòng cháy chữa cháy (Trung tâm 2 – T06) đã phối hợp cùng Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) tổ chức đợt huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC & CNCH nâng cao với chủ đề“Kiểm soát an toàn và huấn luyện tâm lý trong hoạt động chữa cháy và cứu nạn cứu hộ”cho 250 học viên từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 8/8/2022 trực tiếp tại 9 kho và cụm kho thuộc PVOil trải dài từ Bắc vào Nam. Cụ thể tại các địa điểm sau:
- Lớp thứ nhất tại An Hải, Hải Phòng gồm các kho Petec An Hải, PVOil Đình Vũ, PVOil Cái Lân.
- Lớp thứ hai tại Cái Lân, Quảng Ninh gồm các kho Petec An Hải, PVOil Đình Vũ, PVOil Cái Lân.
- Lớp thứ ba tại Vũ Thư, Thái Bình gồm các kho PVOil Nam Định, Bắc Giang và Phú Thọ.
- Lớp thứ tư tại Liên Chiểu, Đà Nẵng gồm các kho PVOil Liên Chiểu, Petec Hòa Hiệp, PVOil Dung Quất, PVOil Chân Mây.
- Lớp thứ năm tại Vũng Tàu gồm các kho PVOil Miền Đông, Petec Cái Mép.
- Lớp thứ sáu tại Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh gồm các kho PVOil Nhà Bè, PVOil Tây Ninh.
- Lớp thứ bảy tại Cần Thơ gồm các kho Petro Mêkong, Alpha Vĩnh Long, Petro Cổ Chiên, Petro Ba Tri, Petro Bạc Liêu, Petro An Giang.
- Lớp thứ tám tại Đông Hòa, Phú Yên có kho PVOil Phú Yên.
- Lớp thứ chín tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, gồm các kho PVOil Vũng Áng, PVOi Quảng Hưng và Nghi Sơn Thanh Hóa.
Trực tiếp giảng dạy lý thuyết và thực hành là Thượng tá, giảng viên chính Trần Kim Khánh – Phó Giám đốc Trung tâm, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của các trợ giảng Trung tâm 2 và giảng viên của khoa nghiệp vụ thuộc Trường Đại học PCCC.
Nội dung huấn luyện được xây dựng dựa trên kiến thức lõi và nền của học viên gắn với thực tiễn công tác chữa cháy và cứu nạn trong môi trường nguy hiểm cháy nổ và phù hợp với điều kiện thực địa tế tại mỗi kho. Học viên được ôn lại một phần kiến thức và kỹ thuật đã học, đồng thời giảng viên cũng cập nhật có hệ thống các kiến thức về an toàn trong quá trình huấn luyện tại thao trường và chiến đấu tại hiện trường; chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát an toàn khi chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong một số tình huống cụ thể trong đó có kho/bể chứa xăng…
Trong phần huấn luyện tâm lý, học viên lần lượt được trực tiếp trải nghiệm và rèn luyện trong các điều kiện môi trường có nhiệt độ cao, khói khí đặc, thiếu sáng, có tiếng ồn kết hợp với hoạt động tìm kiếm, cứu người trong không gian hạn chế.
Với mức độ tăng dần số lượng và mức độ các hiệu ứng cùng các yếu tố bất ngờ đã mang lại sự hứng khởi tham gia; thay đổi được nhận thức và hình thành bản lĩnh tâm lý cho các học viên. Kết thúc khóa tập huấn, ban tổ chức lớp học và các học viên đều đánh giá rất cao sự hấp dẫn và mức độ hiệu quả của chương trình tập huấn. Các kinh nghiệm và bài học rút ra từ khóa học này sẽ là cơ sở để Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng cháy chữa cháy – Trường Đại học PCCC tiếp tục nghiên cứu và tổ chức các chương trình tập huấn tiếp đáp ứng yêu cầu của Tổng công ty dầu Việt Nam.
PV
Một số hình ảnh khóa huấn luyện:
BÌNH LUẬN